Năm 2009, Tâm tốt nghiệp kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành bệnh thủy sản. Sau ba năm làm trợ giảng tại Đại học Cần Thơ, anh quyết định nghỉ việc chuyển hướng kinh doanh. Ban đầu chàng trai quê thị trấn Tràm Chim đầu tư trang trại cá kiểng, cá giống sau đó làm việc cho các công ty chuyên về thuốc thủy sản.
Đầu năm 2018, Tâm được người bạn thân dẫn đi tham quan thủ phủ sầu riêng ở Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tìm hiểu và được biết nhiều nông dân giàu lên, có của ăn của để từ cây sầu riêng, anh nhen nhóm ý tưởng "khởi nghiệp" với loài cây này ngay trên thửa ruộng 1,2 ha bị phèn nặng của gia đình.
"Thời điểm đó, biết tôi có ý định trồng sầu riêng trên 'cánh đồng chết' đến đu đủ còn không cho trái, nhiều người chửi tôi là kỹ sư khùng", Tâm kể.
Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thanh Tâm trên mảnh vườn trồng sầu riêng ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Tài
Trước khi trồng đại trà, Tâm cẩn thận lấy một ít đất trong vườn mang qua Cần Thơ nhờ xét nghiệm tính chất lý hóa. Kết quả cho thấy đất nhiễm phèn nặng, pH dưới 4, độ nén cao, nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, có một điểm sáng là đất giàu silic (một thành phần có trong đất sét) - yếu tố giúp cơm sầu riêng vàng và mịn.
Vận dụng những kiến thức đã học và kinh nghiệm tích lũy, Tâm quyết tâm cải tạo 'cánh đồng chết' để trồng sầu riêng. Ban đầu kỹ sư trẻ dùng phân lân để rửa phèn, loại lân đá chỉ tan khi gặp đất phèn hoặc chất dẫn tiết ra từ rễ cây.
"Lân bột dễ tan trong nước và rửa trôi, xài tốn kém trong khi lân đá cây dùng từ từ", Tâm nói và cho biết rễ cây khi gặp phèn sẽ bị "quéo" không thể hấp thu dinh dưỡng. Lân có tác dụng đối kháng với phèn, tạo màng bảo vệ cho rễ cây.
Để tăng dinh dưỡng cho đất vườn, Tâm dùng phân hữu cơ để tạo độ tơi xốp cho đất, đồng thời phát triển hệ sinh vật có lợi, keo đất (hạt đất có kích thước nhỏ, có tính năng giữ nước, duy trì cấu trúc đất). Những thành phần có lợi này giúp phân giải chất dinh dưỡng khó tiêu thành chất dễ tiêu, cây có thể hấp thụ. Trong 3,5 năm đầu, vườn sầu riêng 1,2 ha đã dùng đến 70 tấn phân hữu cơ tự ủ.
Vườn của Tâm trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng với nhiều nông dân trong vùng. Ảnh: Ngọc Tài
Vùng đất Tam Nông nhiều gió, khiến cây dễ đổ ngã, vì thế Tâm tuyệt đối không dùng thuốc kích thích sinh trưởng mà để cây phát triển tự nhiên với phương châm "lùn, lực, khỏe". Đồng thời, cây được "huấn luyện" từ nhỏ với gió, không cột bằng dây hay nẹp cây, để chúng tăng sức chống chịu.
Theo kỹ sư Tâm, cây dù không biết nói song chúng có cách thể hiện riêng. Khi dư đạm, cây sẽ xì mủ, thiếu lân lá sẽ vàng úa. Cây mang quá nhiều trái, trái sẽ bị chậm lớn. "Sầu riêng rất khó trồng, phải hiểu rõ đặc tính. Đây cũng là cây nhà giàu, phải cho ăn liên tục, để đói chúng bị bệnh. Trị bệnh còn tốn gấp nhiều lần", anh Tâm nói.
Sau 3,5 năm trồng, trung bình mỗi cây sầu riêng tốn chi phí 12 triệu đồng (tương đương 2 tỷ đồng cho 1,2 ha) cao hơn nơi khác do tốn nhiều chi phí cải tạo đất, song chỉ sau 4 vụ cho trái, chủ vườn cho biết đã lấy vốn và lời 0,5-1,5 tỷ đồng mỗi năm, tùy giá bán.
"Đất phèn Tam Nông hoàn toàn có thể trồng sầu riêng, silic trong đất thực sự làm cơm sầu riêng vàng và ngon hơn", Tâm cho rằng trồng cây gì không quan trọng bằng việc tìm hiểu không ngừng và bền chí với nó, đừng vội trồng rồi chặt chỉ vì giá bán lên xuống.
Mô hình trồng sầu riêng trên đất phèn được nhiều nông dân làm theo sau khi kỹ sư Tâm thử nghiệm thành công. Ảnh: Ngọc Tài
Không giữ kiến thức cho riêng mình, sau quá trình thử nghiệm thành công, Tâm đã chia sẻ những những kiến thức mình có được với anh em trong câu lạc bộ sầu riêng thị trấn Tràm Chim. Trong đó, anh nhiều lần nhấn mạnh phải hiểu rõ đặc tính đất, thói quen "ăn uống" của cây trồng, không lạm dụng phân bón hóa học, vừa không hiệu quả lại khiến cây giảm tuổi thọ. Hiện, câu lạc bộ quy tụ hơn 30 thành viên, Tâm được tin tưởng bầu làm tổ phó.
Ông Nguyễn Anh Tàu, Phó Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tam Nông, cho biết thông qua câu lạc bộ sầu riêng, kỹ sư Tâm đã chia sẻ nhiều kiến thức trồng sầu riêng cho bà con trong vùng.
Với việc thử nghiệm và thành công với mô hình trồng sầu riêng trên đất phèn, kỹ sư Tâm đã mở ra hướng đi mới cho những hộ có ít đất canh tác. Hiện, toàn huyện có hơn 100 ha trồng sầu riêng. Địa phương chỉ khuyến khích bà con trồng trong vùng đê bao ba vụ, tránh mở rộng ở vùng nguy cơ bị ngập lụt.
"Tâm là người đi đầu trồng sầu riêng ở huyện, đồng thời cũng nắm rõ kỹ thuật và ứng dụng phân hữu cơ thay thế phân vô cơ. Bước đầu mô hình đã chứng minh được hiệu quả về sản lượng và chất lượng trái", ông Tàu nói.
Ngọc Tài