Ho do viêm phế quản khác hen suyễn thế nào

20/12/2024
|
0 lượt xem
Bệnh Hô Hấp Thường Gặp Các Bệnh Hô Hấp Sức Khỏe
Ho do viêm phế quản khác hen suyễn thế nào

Viêm phế quản là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus, vi khuẩn, nấm gây ra bởi khói bụi, ô nhiễm. Đôi khi bệnh có thể khởi phát sau nhiễm cúm, nhiễm vi khuẩn như mycoplasma. Bệnh chia thành hai loại là viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mạn tính hay gặp ở người hút thuốc lá hoặc tiếp xúc thường xuyên với khói bụi, hóa chất.

Hen suyễn là bệnh mạn tính liên quan đến dị ứng, viêm đường thở. Người có cơ địa dị ứng hoặc tiền sử người thân bị dị ứng, hen suyễn có nguy cơ cao mắc bệnh. Bệnh gồm hen suyễn dị ứng, hen suyễn không dị ứng, hen suyễn nghề nghiệp, hen do gắng sức hoặc aspirin, hen phế quản dạng ho...

Thạc sĩ, bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khác với viêm phế quản cấp tính, hen suyễn không lây nhiễm, có yếu tố di truyền. Ho là triệu chứng phổ biến của nhiều bệnh đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản, hen suyễn. Do cách điều trị khác nhau nên phân biệt hai bệnh này quan trọng.

Triệu chứng

Theo bác sĩ Lan, viêm phế quản có thể nhầm với hen suyễn do có nhiều triệu chứng giống nhau. Cả hai đều khiến đường thở bị viêm, sưng tấy, không khí khó lưu thông, dẫn đến ho, thở khò khè, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, cảm giác đuối sức. Tuy nhiên, ho ở người bệnh viêm phế quản cấp tính có thể kéo dài 1-3 tuần, kèm theo triệu chứng cảm lạnh như sốt nhẹ, đau rát họng. Biểu hiện bệnh có thể giảm sau vài ngày. Người bệnh thường ho khan từng cơn trong những ngày đầu, cảm giác rát bỏng sau xương ức, khàn tiếng. Sau đó chuyển sang ho có đờm, đôi khi đờm lẫn máu. Nếu ho trên 8 tuần có thể là dấu hiệu của viêm phế quản mạn tính.

Các triệu chứng của bệnh hen suyễn có thể xuất hiện sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông thú, bụi... Sau đó, triệu chứng có thể biến mất khi ngừng tiếp xúc với yếu tố kích thích hoặc dùng thuốc. Ho do hen suyễn thường ít đờm, màu trong, quánh, dính, xuất hiện dưới dạng cơn ho ngắt quãng. Triệu chứng đi kèm thường là thở khò khè, có tiếng rít khi thở, cảm giác nặng ngực. Các triệu chứng khác báo hiệu khởi phát cơn hen cấp như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, buồn ngủ...

Ho, khó thở ở người bệnh hen thường diễn biến từng cơn dài khoảng 5-15 phút, xảy ra về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Sau cơn hen, cơn khó thở giảm dần, kết thúc bằng triệu chứng ho, khạc đờm.

Bác sĩ Thân Thị Ngọc Lan khám cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Chẩn đoán

Phân biệt ho do viêm phế quản, hen suyễn dựa vào ho, xem xét triệu chứng kèm theo, yếu tố kích thích. Bác sĩ Lan cho biết chẩn đoán bệnh có nhiều khác biệt. Ngoài khám lâm sàng, đánh giá triệu chứng, nếu bác sĩ nghi ngờ viêm phế quản có thể chỉ định xét nghiệm máu, đờm, chụp X-quang, CT phổi, khí máu động mạch, kiểm tra chức năng hô hấp.

Đối với hen suyễn, bác sĩ đo chức năng hô hấp, kiểm tra giãn phế quản, đo nồng độ oxit nitric hơi thở ra... để đánh giá mức độ tắc nghẽn của đường thở. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm dị ứng hoặc thử nghiệm với các yếu tố kích thích để đánh giá phản ứng của đường hô hấp.

Điều trị

Viêm phế quản cấp tính có thể điều trị khỏi bằng cách dùng thuốc giảm ho, chống viêm, kháng sinh (nếu cần), kết hợp chăm sóc, nghỉ ngơi điều độ. Sau điều trị khỏi nhiễm trùng, lớp niêm mạc phế quản trở lại bình thường. Viêm phế quản mạn tính thường khó điều trị do khả năng hô hấp ở người bệnh suy giảm. Các biện pháp chỉ giúp làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng.

"Điều trị không giúp chữa khỏi bệnh hen", bác sĩ Lan nói, thêm rằng các biện pháp như cải thiện lối sống, tránh tác nhân gây dị ứng, dùng liệu pháp corticoid và thuốc giãn phế quản... chỉ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng. Đôi khi người bệnh có thể tự khỏi nhờ diễn biến tự nhiên của bệnh. Điều này thường xảy ra ở thể bệnh hen khởi phát từ bé. Trên 10 tuổi, nếu diễn tiến tốt, các triệu chứng hen của trẻ sẽ nhẹ và thưa dần.

Biến chứng

Cả hai bệnh lý đều có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời. Với viêm phế quản cấp tính, người bệnh có thể diễn tiến suy hô hấp, xẹp phổi, viêm tai giữa, viêm phổi... Viêm phế quản mạn tính gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy hô hấp, ung thư phế quản, ung thư phổi hoặc lao phổi. Bệnh hen suyễn có thể gây nhiễm khuẩn phế quản, suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, tâm phế mạn tính, ngừng hô hấp.

Bác sĩ Lan khuyên mỗi người nên ngừng tiếp xúc với tác nhân gây hại như khói thuốc lá, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Chủ động tạo môi trường sống sạch sẽ bằng cách trồng thêm cây xanh, giặt chăn màn, hút bụi thường xuyên.

Luyện tập thể dục đều đặn, chế độ dinh dưỡng cân bằng, ưu tiên nhiều chất xơ, uống đủ khoảng 1,5-2 lít nước lọc mỗi ngày. Hạn chế bia rượu, tiêm ngừa vaccine phòng cúm đúng lịch. Khi ho kéo dài, người bệnh cần đi khám ngay.

Trịnh Mai

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp
Tin liên quan
Tin Nổi bật