Theo Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP HCM), sau khi cầu Long Kiểng mới thông xe từ tháng 9/2023 đến nay, cầu cũ chủ yếu phục vụ số ít xe máy, người đi bộ. Cầu cũng ít được bảo dưỡng nên công trình xuống cấp.
Do đó, đơn vị đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư) sớm thanh lý cầu nhằm tránh lãng phí chi phí quản lý cũng như an toàn hơn cho người dân. Dự kiến, sau khi tháo dỡ cầu, những vật tư còn dùng được sẽ tận dụng cho các công trình khác hoặc lưu kho.
Cầu thép Long Kiểng cũ nằm sát cầu mới, tháng 9/2023. Ảnh: Hạ Giang
Cầu Long Kiểng cũ nằm trên đường Lê Văn Lương, xây dựng từ khoảng năm 1975, nối hai xã Phước Kiểng và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Công trình có kết cấu bằng thép, rộng hơn 2 m, từng bị sập, sau đó được gia cố lại.
Sau thời gian dài khai thác, công trình xuống cấp nên TP HCM đã triển khai dự án xây cầu mới dài một km thay thế với tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng. Công trình nằm sát bên cầu cũ, khởi công năm 2018, hoàn thành sau 5 năm do vướng mặt bằng.
Vị trí cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương. Đồ họa: Đăng Hiếu
Sau một năm khai thác, cầu Phước Kiểng mới giúp người dân ở khu vực đi lại thuận lợi, tăng kết nối giao thông cho phía Nam thành phố với tỉnh Long An, thông qua đường Lê Văn Lương.
Ngoài cầu Long Kiểng, trên đường Lê Văn Lương còn ba cây cầu khác là Rạch Dơi, Rạch Tôm và Rạch Đỉa. Trong đó, cầu Rạch Đỉa đang được thành phố triển khai xây cầu mới thay thế, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Hai cầu còn lại kết cấu bằng thép cũng đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư.
Gia Minh